(Bài đăng trên báo Long An - thứ năm 21-4 đến 24-4-1997, năm thứ 34, số 29/97 (1509)
LTS: Ông Nguyễn An Định, cộng tác viên của Báo Long An, hiện nghỉ hưu tại TP.HCM. Với tấm lòng thiết tha với vốn quý y học cổ truyền, lại thêm mối cảm tình với nghề y trong gia tộc (ông là trưởng nam của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh), từng có lúc hành nghề y dược. Vừa qua ông có bài viết sau đây, chúng tôi xin giới thiệu, như một tư liệu để bạn đọc tham khảo. Tác giả và tòa soạn báo rất mong nhận được ý kiến đánh giá của các nhà chuyên môn về nội dung y dược học nêu trong bài viết.
THẦN DƯỢC CỨU MỆNH 2
Cuối năm 1969, ở Hà Nội có đợt dịch bệnh gọi là sốt xuất huyết, được xác định xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta. Các cháu nhỏ chết la liệt, tại bệnh viện lớn có ngày 15-17 cháu chết. Nghe nói có dịch bệnh gây chết tràn lan, tôi đến các bệnh viện xem. Thấy các dạng bệnh giống y như tôi đã từng gặp, tôi viết ngay một bài, nói rõ về bệnh và phổ biến bài thuốc "Thần dược cứu mệnh", gởi lên Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Bác gởi phổ biến đi các tỉnh, đồng thời gởi đăng ngay trên báo "Hà Nội mới". Trong bài viết của tôi có câu:
"Đề nghị dùng thuốc này cho các ca bệnh nặng nhất. Bảo đảm 100% sẽ không có tử vong". Bác sĩ Hưởng đã xóa bỏ đoạn "... Bảo đảm 100%...". Đọc báo thấy mất đoạn đó, tôi chạy ngay đến nhà bác Bộ trưởng. Tôi nói:
- Thưa bác, bác bỏ mất đoạn quan trọng nhất trong bài của cháu. Vì cháu nghĩ, vị chủ của bài thuốc nầy là con trùn, nên nó dễ gây ngại dùng. Bắt con trùn còn gớm, làm thuốc càng ớn hơn, vì vậy để câu đó, người ta tin chắc chắn nó sẽ cứu sống người bệnh, do đó người ta ráng không gớm, ráng bằng mọi giá làm thuốc để cứu bệnh nhân.
Bác Hưởng nói:
- Giả dụ người bệnh đến giờ phải chết, 5-10 phút nữa sẽ chết, mà thuốc của cháu lại cần đến 60 phút mới cứu sống. Vậy làm sao bảo đảm 100% được? Thận trọng vẫn hơn cháu à. Trong ngành y không nên nói câu đó.
- Thưa bác, nhưng kinh nghiệm thực tế của cháu đã cho thấy rõ, thuốc có uống khỏi cổ là đã chắc sẽ sống rồi.
Bác Hưởng không bằng lòng nên nói:
- Tôi nhắc lại, ngành y không cho phép nói bảo đảm cứu sống 100%.
Bác cháu tôi tranh luận như vậy. Nhưng vài tháng sau, đến Hội nghị tổng kết dịch sốt xuất huyết toàn miền Bắc, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, tôi nhận được thư mời của đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Trong giấy mời đồng chí viết:
- Trong cuộc chống dịch sốt xuất huyết vừa qua, Bộ có sử dụng bốn bài thuốc Nam do nhân dân đóng góp. Nói chung, thuốc Nam trị bệnh này đạt hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng hơn Tây y. Tuy nhiên, trong các bệnh nhân dùng ba bài thuốc kia, vẫn có những ca tử vong. Duy chỉ có bài "trùn đất" của đồng chí là cứu sống 100%, không có ca tử vong nào. Mặc dù bài thuốc đó đã dùng cho tất cả các bệnh nhân nặng nhất. Vì vậy, mời đồng chí dự hội nghị tổng kết. Đặc biệt mời đồng chí báo cáo với hội nghị một số vấn đề mà chúng tôi muốn biết. Ví dụ: tại sao đồng chí biết dùng năng lượng của dòng điện 12 von để gọi thức thần kinh trung ương của bệnh nhân hôn mê sâu. Mà lại nói được: sau khi nạp điện lần thứ năm thì bệnh nhân tỉnh dậy?
- Còn một số vấn đề khác, chúng tôi cũng xin đồng chí cho biết rõ hơn. Ví dụ vấn đề 63-65 phút, có trường hợp nào khác đi, kéo dài hơn không? Ngoài bệnh sốt xuất huyết, thuốc còn trị được các bệnh nào khác?
Cuộc họp đó có khoảng hơn 200 người đến dự, gồm Hội đồng Kỹ thuật của Bộ, các giám đốc bệnh viện quận và huyện ngoại thành, các lương y và sư sãi tham gia trị bệnh cứu người. Báo cáo của tôi trả lời các câu hỏi của đồng chí giám đốc sở cùng nhiều câu hỏi khác, đã được hội nghị vỗ tay hoan hô hồi lâu.
Sau hôi nghị đó, bác Hưởng mời tôi tới nhà bác và gợi ý:
- Tôi muốn đề nghị với Bộ Văn hóa biệt phái cháu về Viện Đông y trong thời gian 3-5 năm. Ỡ Viện, tôi sẽ cử cháu phụ trách một tổ nghiên cứu gồm nhiều phó tiến sĩ y dược. Cháu cùng các vị đó sẽ bào chế, biến bài thuốc của cháu thành thuốc chai để uống, sau đó tiến tới biến thuốc thành dạng nước trong cho vào ampoule để chích. Chế được thuốc tiêm, ta sẽ đưa đi điều trị cho bảy - tám chục bệnh nhân. Nếu thời gian chấm dứt các hiện tượng làm sáng tỏ vấn đề là 63-65 phút như thuốc thang, coi như ta thành công. Chừng đó bác sẽ cho sản xuất đại trà, bán rộng ra nước ngoài. Bác sẽ để tên thuốc là AV, ngầm hiểu là antivirus. Vì hiện nay trên thế giới người ta cho là "chưa có thuốc đặc hiệu trị siêu vi trùng", cho nên ta chưa dám đề rõ nguyên chữ antivirus. Khi nào thiên hạ dùng nhiều và xác định thuốc này diệt siêu vi trùng rất có kết quả, lúc đó tự họ sẽ cho thuốc của ta là antivirus. (LHH tô đậm lời cố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng)
Hồi đó tôi mới lấy xong bằng đại hoc nghệ thuật từ nước ngoài, mới về nước, nên còn mê công tác văn học nghệ thuật. Chưa biết say mê ngành y, cho nên đã từ chối lời mời của bác Bộ trưởng Bô Y tế, kiêm Viện trưởng Viện Đông y. Tôi nói:
- Thưa bác, cháu làm tổ trưởng tổ nghiên cứu thì làm sao các vị phó tiến sĩ y dược nghe theo lời cháu. Đã lập một tổ chức gồm toàn các vị có chuyên môn cao, sao bác không ra lệnh cho các vị chịu trách nhiệm bào chế cho thành công? Làm như vậy có phải tốt hơn không?
- Cháu ơi, vấn đề phức tạp lắm. Phải nói thật, mặc dù Đảng bảo phải coi trọng Đông y, nhưng những người có học vị cao, đã có mấy người thật sự tin tưởng Đông y! Hơn nữa, bài thuốc của cháu gồm bốn vị, thì con trùn đất dễ bị người ta gớm. Còn ba vị kia: đậu đen, đậu xanh, rau bù ngót, rất dễ làm cho người ta coi thường. Do hai đặc điểm đó nên bài thuốc của cháu có thể khiến người ta thiếu quyết tâm nghiên cứu thật đến nơi đến chốn. Chỉ có cháu, người đã có kinh nghiệm thực tế, đã từng cứu sống hàng trăm người, giành giật họ lại từ tay thần chết, thì cháu mới có đủ quyết tâm và lòng tin, để đưa cuộc nghiên cứu đến thành công. Bác tin cháu, cử cháu làm, bác phải có trách nhiệm theo dõi sát và buộc mọi người phải làm đúng theo lời cháu. Với bài thuốc đó, bác tin là thời gian hoàn thành công trình sẽ rất ngắn. Bởi vì, đặc điểm 65 phút của nó rất đặc biệt. Nó xác định xác bước nghiên cứu của ta bằng cách xem giờ. Bác tin rằng có thể chỉ một năm, ta sẽ hoàn thành công trình này.
Bác Bộ trưởng rất tin ở bài thuốc, tin ở tôi, từng lời bác mang nhiều ý nghĩa khích lệ, động viên tôi dũng cảm nhận trách nhiệm lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn ngại, cái lo ngại tự nhiên của một người mặc dù có kinh nghiệm thực tế không phải ít, có đọc sách trình độ cao, nhưng chưa được học có hệ thống lý luận nghiệp vụ chính quy trường lớp.
THẦN DƯỢC CỨU MỆNH 3
Đã hai lần tôi bị chất vấn đến tháo cả mồ hôi hột, cho nên tôi phải sợ. Tuy tôi trả lời trót lọt ở cả hai lần, lại được khen, được hoan hô. Nhưng điều đó không làm tôi hết sợ được.
Lần thứ nhất, cháu Chín 15 tuổi, ở 105 Hàng Bột – Hà Nội bị hôn mê sâu đã 9 ngày. Từ bệnh viện Đống Đa, cháu đượcchuyển qua Saint Paul, rồi bệnh viện Cu Ba. Bữa đó bác sĩ bệnh viện Cuba ra trạm y tế. Trạm hỏi, bác sĩ Cuba nói: “Cháu Chín ở phố này, chúng tôi coi như đã chết 5 ngày rồi. hiện nay hàng ngày tiêm 2 triệu đơn vị kháng sinh và vô nước biển. Nhưng không hy vọng sống. Đợi tay cháu cứng đơ thì đưa chôn thôi”.
Nhà cháu cách con hẻm 200m là đến trạm y tế khu phố. Tiếng hai bác sĩ nói, má cháu ngồi mái trước nhà nghe rõ hết nên 6 giờ tối bà cho con trai đi tìm tôi. Bấy giờ tôi vào bệnh viện gặp Giám đốc trực đề nghị phối hợp Đông y. Bị từ chối, tôi quay về nhà cháu nấu thuốc đưa má cháu bảo đem vô lén đổ. Kém mười lăm 8 giờ đổ thuốc, thì 9 giờ kém 10 cháu tỉnh. 9 giờ, tất cả người nhà phải ra khỏi bệnh viện. Sáng sớm tôi vào thấy cháu đang ngồi ăn cháo. Người nhà quây tròn quanh giường. Cổ cháu niểng: đầu cúi, lắc lắc, hai mắt toàn tròng trắng, miệng méo, tay quều quào. Tôi bảo đưa cháu về để tôi trị tiếp. Mẹ cháu nói:
- Anh ơi, cháu quều quào như đứa có tật vậy, hai mắt không có tròng đen, đưa về nhà rồi cháu có khỏi không? Mọi cái có trở lại bình thường không?
Tôi bảo: bà cứ đưa cháu về, vài hôm cháu sẽ khỏi hẳn.
Gia đình xin đưa cháu về, bác sĩ chưa tin cháu đã tỉnh. Khi thấy cháu như vậy, bác sĩ càng không muốn cho về. Tôi phải cam đoan trị dứt các di chứng, bác sĩ mới cho về.
Vừa về đến nhà thì chị Lê – giám đốc bệnh viện quận Đống Đa tới ngay, có lẽ bệnh viện Cuba báo cho chị biết. Chị Lê nhờ tôi giúp bệnh viện Đống Đa. Cho uống thang thứ hai thì tay chân, đầu cổ cháu gần như bình thường. Tròng đen mắt cháu đã xuống nhưng lại nằm ở hai khóe mắt bên ngoài. Qua thang thứ ba, tròng đen mới trở lại vị trí của nó.
Chị Lê hàng ngày đến theo dõi tình hình. Qua ngày thứ tư, chị mời tôi cùng đi lên Bộ gặp Bộ trưởng. Bác Hưởng hỏi tôi rất tỉ mỉ về thể trạng của cháu trong thời gian tới, khoảng dăm, sáu tháng sẽ ra sao? Về lâu dài tim, óc có vấn đề gì không? Có bị di chứng không? Sau đó bác bảo tôi cố gắng thường xuyên đến giúp bệnh viện quận nhà. Bác nói với chị Lê:
- Những điều tôi hỏi và đồng chí Định trả lời, cô đã nghe rõ hết. Vậy từ nay trở đi lúc nào đồng chí Định đến bệnh viện, mà có góp ý gì về phương pháp trị bệnh, về sự chỉ định thuốc hoặc đồng chí đề nghị gì thì cô nên nghe theo.
Cháu Chín về nhà được tuần thì xảy ra sự cố. Dãy nhà phía sau nhà Chín, ông chú nhà ở ngay cửa sổ chỗ Chín nằm: ổng đi phố làm mất chìa khóa. Về không mở được cửa, ông đi mướn búa tạ về đập. Vì ổ khóa và khoen cửa của ông loại to nhất nên ông phải đập đến cả chục cái mới tới được ổ khóa. Từ chỗ ổ khóa nhà ổng đến chỗ Chín nằm chỉ cách có 2 m. Tiếng đập khóa rầm rầm làm Chín hốt hoảng ngất lịm. Người khỏe mạnh còn chịu không nổi, huống hồ người từ cõi chết mới trở về, tim óc còn rất yếu.
Gia đình đưa Chín trở vào bệnh viện Đống Đa và báo cho tôi biết. Tôi vào viện thấy đang cho tiêm Adrenalin. Chị Lê hỏi:
- Ta lại cho uống thuốc nam hả anh?
- Chị à, bệnh cháu đã khỏi. Siêu vi trùng không còn. Lần này cháu hôn mê sâu do bị cú sốc tim và thần kinh. Chị không nên cho cháu dùng thuốc, nhất là những thứ có nhiều độc tố như Adrenalin. Chị nên dùng các chất phóng xạ như tia cực tím, hồng ngoại hay laze, nguyên tử đều được. Ta dùng năng lượng phóng xạ mà gọi thức thần kinh trung ương. Cháu hôn mê lần nầy do quán tính của cuộc hôn mê trước, nó kéo thần kinh trung ương của cháu quay trở lại tình trạng liệt trước kia mà thôi. Do vậy, ta chỉ cần gọi nó tỉnh dậy, hoạt động trở lại, không cần thuốc.
Chị Lê đưa cháu sang bệnh viện Bạch Mai, để nhờ phóng xạ trị liệu. Lúc đó các máy phóng xạ đều đưa sơ tán về nông thôn hết, nên chị Lê lại gọi tôi đến. Tôi nói:
- Nếu không có máy nào hết, thì chị tìm mua cái manheto xe hơi, bắt hai cực điện vào hai trái tai cháu, rồi lắc đầu ma-nhê-tô mà nạp điện. Điện ma-nhê-tô cũng giật khá mạnh, có thể gọi tỉnh. Nhưng điện ma-nhê-tô chỉ có 12 vôn, không thể giật chết. Dòng điện trên 40 vôn mới có thể giật chết người.
Chị Lê hỏi:
- Nạp điện mấy lần, mỗi lần bao lâu?
Tôi nói:
- Chị cứ cho gật gật cái đầu ma-nhê-tô năm bảy cái một lần. Cách sáu bảy giờ sau nạp một lần nữa. Có thể sau năm lần nạp điện cháu sẽ tỉnh.
Quả nhiên sau năm lần nạp điện cháu tỉnh lại, sau đó khỏi bệnh. Một năm sau gặp lại Chín, tôi biết cháu đã bỏ học, đi làm cô mẫu giáo. Mười sáu tuổi mà cháu cao hơn mét sáu, nặng gần sáu mươi kí, rất hồng hào khỏe mạnh.
Về thời gian bệnh lui sau 65 phút, tôi xin nói rõ. Có những trường hợp đặc biệt, như bệnh bụng báng nước , hậu quả của bệnh viêm gan siêu vi (mỗi ngày có thể lấy từ ổ bụng cả 18 – 20 lít nước) và phù toàn thân hậu quả của phù thận nhiễm mỡ, thời gian lui bệnh có thể lâu hơn, tức vài ngày sau mới khỏi hẳn. Tuy vậy đến phút 65 ấy, trong người bệnh vẫn có sự thay đổi lớn, báo hiệu rõ nét bệnh bắt đầu lui.
Ví dụ chuyện anh chàng thổi kèn đồng trompette của Đoàn ca múa Thái Ly. Đồng chí đó bị phù thận nhiễm mỡ từ nhiều năm. Khi đoàn ca múa quân giải phóng của Thái Ly ra Hà Nội để đi nước ngoài. Hôm đó chỉ còn 4 – 5 ngày nữa là lên đường bỗng đột ngột đồng chí ấy bị phát phù toàn thân. Mình mẩy, tay chân, mặt mũi phồng tròn đến căng da, cứ y như người được bơm hơi. Bác sĩ đành buộc đồng chí ở lại và dĩ nhiên cả đoàn phải ở lại. Vì văn công quân đội mà thiếu cây kèn xung trận thì không thể được, mượn người khác thì bao giờ mới tập xong các tiết mục? Đồng chí bèn tìm đến nhà tôi, nói như mếu, năn nỉ tôi tiếp cứu. Tôi làm thuốc đưa cho. Cầm thuốc, đồng chí mừng quá vội cáo lui, tôi dặn:
- Uống xong 65 phút có sự thay đổi trong người. Cho nên có cảm giác gì lạ em cứ bình tĩnh. Đó là hiện tượng bệnh lui, không có gì mà sợ.
Sáng sớm hôm sau, mới tờ mờ sáng anh chàng mò đến, báo tin khỏi bệnh đã được bác sĩ của đoàn cho đi nước ngoài. Người đồng chí ốm nhom, ngó chỉ bằng phân nửa hôm qua. Đồng chí nói:
- Uống xong hơn tiếng người em bỗng nghe rần rần, y như có hàng triệu con kiến đang bò trong xương trong máu. Em sợ quá nhưng nhớ lời anh dặn, em ráng bình tĩnh. Từ đó tới sáng em đi tiểu tiện hơn chục lần, khát nước uống nước hoài. Đến sáng thì hết phù. Bác sĩ phải kêu trời sao em khỏi bệnh lẹ vậy. Nếu vì em mà cả đoàn bị ách tắc lại, kế hoạch đã bố trí với nước ngoài bị xáo trộn hết, chắc là em phải rất khổ tâm.
Nói chung “thần dược” có đặc điểm 65 phút thật kỳ lạ. Đang hôn mê cả chục ngày vụt mở mắt, đòi ngồi, đòi ăn uống, đòi tiêu tiểu. Đang điên bỗng tỉnh như người thường. Đang bí tiểu tiện thì đi được. Bí cả chục ngày bỗng tiểu loãng. Ung thư gan, ruột bệnh viện bỏ chết cho về, bỗng xổ ra hàng chậu nước đen, thối như cả một con bò chết sình để trong nhà. Tai biến mạch máu não cả chục ngày cũng tỉnh dậy, nói cười được.
Bây giờ, xin trở lại câu chuyện cháu Chín. Vì cháu ngất lần thứ hai, và vì tôi không chờ bệnh viện Đống Đa dùng thuốc, lại chỉ định dùng dòng điện 12 vôn gọi cháu tỉnh dậy, cho nên tôi bị sát hạch lần thứ hai, không phải trước Bộ trưởng Bộ Y tế mà là trước mặt hơn hai trăm vị có chuyên môn cao của hội đồng kĩ thuật của Bộ. Do đó khiến tôi rất sợ, cho nên đã từ chối cơ hội ngàn năm có một bác Bộ trưởng đã dành cho tôi, để tôi có đóng góp đáng kể cho đồng bào và cho nhân loại. Muốn lưu niệm sự kiện đó, năm 1973 và 1978, khi sanh hai con trai, tôi đã đặt tên các cháu là An Vinh và An Vịnh. Đó là hình ảnh hai chữ AV mà bác Ba Hưởng, Bộ trưởng dự định đặt tên cho bài thuốc của tôi, nếu nó được chế thành công dạng thuốc tiêm.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét